Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 10/8, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các biển của Việt Nam vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, hoạt động này sẽ tỷ lệ thuận với tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đảm bảo ổn định. Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng logistics qua đường biển không bị “đứt gãy”.
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 vẫn tăng trưởng tốt. Nhưng, theo dự báo trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8, sản lượng có thể bị giảm sút tại khu vực phía Nam là nơi nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo số liệu của Cục Hàng hàng Việt Nam công bố trước đó, 7 tháng năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 106 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt hơn 133 triệu tấn, tăng 2%; hàng nội địa đạt gần 184 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng hàng container, sản lượng thông qua cảng biển ước khoảng 14,7 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức tăng trưởng hàng container cao trong vài năm trở lại đây.
Về vấn đề giá cước vận tải biển và phụ phí liên tục tăng thời gian qua, theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, vận tải biển quốc tế là một chuỗi logistics từ nơi sản xuất đến nơi phân phối. Nhưng đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có 38 chiếc tàu container, chiếm 3,7% trong cơ cấu đội tàu vận tải.
Trong bối cảnh vận tải hàng hóa theo xu hướng container hóa, thị phần của đội tàu Việt Nam ngày càng nhỏ và đến năm 2020 chỉ còn 5%. Hiện có 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 40 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam. Thế nên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có cơ hội lựa chọn, buộc phải chấp nhận các điều kiện và chi phí do hãng tàu nước ngoài đưa ra.
Vì vậy, để chủ động nguồn container, giảm bớt lệ thuộc và giành lại thị phần từ tay các hãng tàu nước ngoài, Việt Nam cần tập trung đầu tư đội tàu vận tải biển đủ mạnh và xây dựng nhà máy sản xuất container để đón đầu xu hướng xuất siêu ngày càng tăng trong tương lai.
Về hiện trạng đội tàu vận tải biển của Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang thông tin, hiện nay đội tàu này mới chỉ đảm bảo được các tuyến ngắn đi nội Á, tuyến dài vẫn chưa đủ năng lực tham gia. Cụ thể, đội tàu Việt Nam tham gia chủ yếu các tuyến đi châu Á, Đông Nam Á, trong khi đó tuyến đi xa nhất mới đến được Australia.
Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, nguyên nhân là do đội tàu nước ngoài ngày càng được nâng trọng tải với hành trình vận tải khép kín giữa các châu lục. Trong khi đội tàu trong nước nguồn vốn hạn chế, doanh nghiệp chỉ đầu tư tàu trọng tải nhỏ.
Cụ thể trong khi trên thế giới, loại tàu container đã phát triển đến tàu có sức chở trên 20.000 TEUs thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư được tàu có sức chở trung bình khoảng 800 TEUs và tàu lớn nhất là gần 1.800TEUs.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ban hành mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu xây dựng, phát triển đội tàu biển quốc tế Việt Nam nhằm giảm chi phí, nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể. Trong đó, có việc tạo điều kiện thông thoáng để chủ tàu Việt Nam có thể mua ngay. Hoặc, sau khi mua có thể bán ngay để “chớp” lấy cơ hội mua tàu có hiệu quả khai thác tốt hơn.