Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tuy nhiên hoạt động kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,92 tỷ USD, giảm 0,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 17,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 18,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17 tỷ USD, tăng 63,4%; hàng dệt và may mặc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, tăng 61,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,4 tỷ USD, tăng 42,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm.
– Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản: Kim ngạch xuất khẩu tháng 06/2021 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 05/2021 và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn chung hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 với mức tăng lên tới 41,3% về lượng và tăng 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 681 nghìn tấn, trị giá 1,149 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng trưởng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12,5% và 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu giảm 6,7% về lượng nhưng kim ngạch tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hạt tiêu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.
– Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản: Kim ngạch xuất khẩu tháng 06/2021 tăng 17,4% so với tháng 05/2021 và tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm 2021, với mức giảm nhẹ 0,1%. Nhóm hàng này chỉ ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái ở mặt hàng dầu thô với mức giảm 9,9% so với cùng kỳ.
– Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến:
Trong tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 22,44 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 31,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 135,5 tỷ USD, chiếm 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đà tăng trưởng này đến từ hầu hết các mặt hàng chủ chốt của nhóm như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 63,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 61,1%… Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép có sự phục hồi rõ nét trở lại với mức tăng trưởng hơn hai con số: hàng dệt và may mặc tăng 14,9%; giày dép các loại tăng 27,8%; vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 81%; xơ, sợi dệt các loại tăng 62,2% so với 6 tháng năm 2020.
Về thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 45,1 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,6 tỷ USD, tăng 25,1%; thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%; thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU… Các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đáng chú ý, ngày 7 tháng 6 năm 2021, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Tiếp theo đó, ngày 12 tháng 6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.
Tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào
Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỷ USD, giảm 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 33,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 37,2%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%.
– Nhóm hàng cần nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 24,23 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. 6 tháng đầu năm 2021 đạt 140,14 tỷ USD, tăng 35,6%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng 6 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 37,3%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%…
– Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 10,3 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 17%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 38,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,3% về kim ngạch.
Về thị trường nhập khẩu, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 25,23 tỷ USD, tăng 21,6%; thị trường ASEAN đạt 21 tỷ USD, tăng 49%; Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13%; thị trường EU đạt 8,14 tỷ USD, tăng 17,2%; Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc
Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hồ Chí Minh… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới